ngocvietco.vn
Điện thoại: 0978671188 - Hotline: 098 948 2939

Thực trạng mức độ an toàn của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản ở Việt Nam

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nổi cộm được tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Trong 4 chỉ tiêu cơ bản của nông sản an toàn về hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng nitrate, mức độ ô nhiễm các sinh vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì chỉ tiêu sau cùng là nổi cộm nhất.

1. Thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

1.1. Thuốc bảo vệ thực vật là gì?

          Thuốc BVTV là tên gọi chung để chỉ các sản phẩm hóa chất được dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm mục đích ngăn ngừa, phòng trừ và tiêu diệt các đối tượng gây hại cho cây trồng, cho nông lâm sản hay để điều hòa, kích thích sinh trưởng cho cây trồng từ đồng ruộng cho đến kho bảo quản.

          Dựa trên các đối tượng gây hại đến cây trồng, chúng ta có thể phân chia ra các loại như:

          - Thuốc diệt trừ cỏ dại.

          - Thuốc trừ sâu, rệp, nhện côn trùng gây hại.

          - Thuốc trừ nấm, vi sinh vật, diệt trừ vi khuẩn có hại.

          - Thuốc điều hòa, kích thích sinh trưởng và phát triển ở cây trồng.

          Các hợp chất bảo vệ thực vật chủ yếu thuộc 4 nhóm chính: Clo hữu cơ (organnochlorine), lân hữu cơ (organophosphorus), Carbamat và nhóm Pyrethroid. Ngoài ta, còn có một số nhóm khác như: nhóm Asen (chất trừ sâu vô cơ), nhóm thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ nấm, vi khuẩn, virus, (thuốc trừ nấm, trừ vi khuẩn), nhóm hợp chất vô cơ (Đồng, thủy ngân).

 

1.2. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là gì?

          Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hay Pesticide Residue) là cụm từ dùng để chỉ các chất tồn dư trong thực phẩm. Lượng chất tồn dư này đến từ nhiều nguồn khác nhau như từ môi trường, đặc biệt là từ việc sử dụng hóa chất của con người. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bao gồm các dẫn xuất của thuốc bảo vệ thực vật.

          Căn cứ theo thông tư 50/2016/TT-BYT về giới hạn tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật viết tắt là MRL (Maximum Residue Level), đơn vị là mg/kg thực phẩm.

          Nếu như mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép MRL trong thực phẩm vượt ngưỡng có thể gây nguy hiểm cho con người như: nhức đầu, ngộ độc, nôn mửa, rối loạn thần kinh trung ương,… thậm chí có thể gây liệt hoặc tử vong.

 

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới sức khỏe con ngườiDư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới sức khỏe con người

 

2. Thực trạng mức độ dư lượng thuốc BVTV trong nông sản ở Việt Nam

          Trên thế giới, vấn đề kiểm tra và đánh giá dư lượng thuốc BVTV trên nông sản, được làm thường xuyên ở nhiều nước, nhất là các nước phát triển. Chẳng hạn, ở Mỹ và Đài Loan, hàng năm mỗi nơi đều phân tích trên 10 nghìn mẫu nông sản đặc biệt là sản phẩm rau. Kết quả phân tích dư lượng được so với mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) cho thấy, đến nay tuyệt đại đa số các mẫu rau sản xuất tại nhiều nước là khá an toàn, thường chỉ có khoảng 1% số mẫu rau có dư lượng vượt mức cho phép. Thì trường xuất nhập khẩu rau của các nước Đông Á và Đông Nam Á hàng năm đạt hàng chục tỷ USD đòi hỏi các nước phải có các giải pháp gắt gao để đảm bảo sản phẩm rau an toàn, nhất là về dư lượng thuốc BVTV.

          Ở nước ta, do chưa có điều kiện quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất cũng như kiểm tra, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, các kết quả về phân tích dư lượng thuốc BVTV trong nông sản còn ít, song cũng đã phản ánh tình trạng báo động về mức ô nhiễm này. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế cho biết giai đoạn 2000-2006 đã có tới 677 vụ ngộ độc thực phẩm do rau quả, hóa chất bảo vệ thực vật gây ra. Điều này đã gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội và đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý. Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết gần 1/4 lượng rau tại Hà Nội bị phát hiện nhiễm thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép trong các đợt kiểm tra năm 2015. Điều đó nói lên rằng, việc nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp để sản xuất nông sản an toàn về dư lượng thuốc BVTV là rất cần thiết trước mắt cũng như lâu dài.

 

3. Các biện pháp giảm thiểu dư lượng thuốc BVTV trong nông sản

          Theo Yeoh Ngoh Sum (2000), mức độ thuốc BVTV trong nông sản phụ thuộc vào 3 yếu tố và theo chiều hướng sau: tăng lên cùng với số lần xử lý thuốc; tăng lên khi hàm lượng xử lý tăng; Giảm đi khi thời gian cách ly (PHI) tăng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã tập trung vào các biện pháp có lien quan đến ba yếu tố trên. Trước hết, nhiều nước chú trọng nhất đến chủng loại thuốc được sử dụng trên rau và thời gian cách ly (PHI). Các nhà sản xuất thuốc BVTV đã xác định mức độ tồn dư và PHI trên một số cây trồng. Tuy vậy, mỗi nước có hệ thống các thuốc được sử dụng trên rau và PHI cần thiết trên từng loại rau hoặc từng nhóm rau, sau khi có những nghiên cứu về tình hình dư lượng của thuốc khi sử dụng ở điều kiện sinh thái mỗi vùng. Chẳng hạn, Đài loan đã chia rau thành 5 nhóm: rau thuộc nhóm biến chủng cải bắp, rau ăn lá khác, các loại dưa, rau họ đậu, rau lấy rễ và củ. Viện TACTRI đã nghiên cứu xác định MRL cho từng nhóm cây trồng dựa vào chỉ số được phép ăn vào hàng ngày (acceptable daily intake, ADI) dựa trên cơ sở ADI của FAO và bổ sung thêm những hoạt chất chưa có). Tại Hàn Quốc, người ta không chấp nhận thời gian cách ly mà các công ty đưa ra. Viện Khoa Học Công Nghệ Hàn Quốc (NIAST) đã xác định PHI cho mỗi loại thuốc khi đăng ký. Tại Australia, người ta đưa ra một số nguyên tắc sản xuất rau an toàn, bao gồm: Sử dụng hợp lý thuốc BVTV, sử dụng hợp lý nguồn phân bón, tưới bằng nguồn nước và trông trên đất không ô nhiễm. Nhìn chung, các nước đều có chung những biện pháp nhằm giảm dư lượng thuốc BVTV, bao gồm các biện pháp canh tác, biện pháp phi hóa học, biện pháp sử dụng thuốc thận trọng và hợp lý, biện pháp kiểm tra chất lượng nông sản. Vấn đề là cụ thể hóa chúng trong điều kiện sản xuất rau ở mỗi nước như thế nào.

          Những nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy, PHI cần thiết của một loại thuốc BVTV phụ thuộc vào địa lý, khí hậu, lượng thuốc sử dụng, tập quán canh tác, yêu cầu về xã hội,…Theo các tài liệu thuốc của các nhà phân phối và sản xuất thuốc, PHI của một loại thuốc nhiều khi không rõ ràng và có thể rất khác nhau. Chẳng hạn, chỉ với Cypermethrin, đã có nhiều khuyến cáo khác nhau về PHI tại Việt Nam, biến động từ 3 ssến 14 ngày. Khi xét đăng ký các loại thuốc BVTV trên rau, ở nươc ta chưa có điều kiện kiểm tra PHI mà hiện tạm chấp nhận PHI mà các công ty đưa ra.

 

Khuyến cáo PHI của Cypermethrin ở Việt Nam

Loại rau

Công ty hoặc tác giả

PHI (ngày)

Rau ăn lá

Trần Quang Hưng

7 - 14

Rau ăn quả

3 - 4

Cải bắp

14

Hành, rau ăn củ

21

Cà chua (trừ sâu xanh)

United Phosphorus Ltd., Vipesco

14

Rau (trừ sâu tơ)

United Phosphorus Ltd

14

Rau (trừ sâu tơ)

Công ty TTS Sài Gòn

7 - 10

Rau (nói chung)

Công ty BVTV An Giang

14

 

          Đông đảo các nghiên cứu đều cho rằng: nguyên nhân tăng dư lượng thuốc trong nông sản là do nông dân sử dụng quá nhiều lần một loại thuốc, tăng liều lượng thuốc khi sử dụng, pha trộn không theo nguyen tắc nào, không tuân thủ PHI …. Để có rau an toàn về dư lượng thuốc BVTV cho cộng đồng, song song với việc quản lý sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề quản giải pháp công nghệ xử lý sau thu hoạch là rất quan trọng.

Như vậy, hiện trạng dư lượng thuốc BVTV trong nông sản nói chung và trong sản phẩm rau nói riêng, yêu cầu chính đáng của người tiêu dùng ở nước ta cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu đưa ra qui trình, các sản phẩm giúp làm giảm thiểu dư lượng thuốc BVTV trong nông sản và ứng dụng chúng trong thực tế rất cấp thiết và có ý nghĩa lâu dài.

          Nước rửa rau quả thực phẩm tươi sống Dr.HyGen do Công ty TNHH SX & TM Ngọc Việt sản xuất đáp ứng được yêu cầu nói trên. Theo các nghiên cứu đã được báo báo, đối với sản phẩm rau muống và thời gian cách ly sau khi phun bằng 1/4 thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất, chế phẩm có khả năng giảm thiểu dư lượng hóa chất như sau:

          - Nhóm Pyrethroid (Cypermethrin) giảm 65,7%

          - Nhóm photpho hữu cơ (Profenofos) giảm 38%

          - Nhóm Avermectin (Emamectin benzoate) giảm 47,8%

Thuốc chứa hoạt chất Cypermethrin giảm thiểu dư lượng cao nhất, còn thuốc chứa hoạt chất Profenofos giảm thiểu dư lượng thấp nhất cho thấy các hoạt chất thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học dễ bị khử hơn các hoạt chất hóa học thông thường.

Ngọc Việt (T/h)

 

Tài liệu tham khảo:

1 .Robin Duncan Kirkpatrick, The mechanism of antimicrobial action of Electro-Chemically Activated (ECA) water and its healthcare applications, University of Pretoria (2009), chapter 4, p120-122.

2. Jianxiong Hao , Wuyundalai , Haijie Liu , Ti anpeng Chen , Yanxin Zhou , Yi - Cheng Su , and Lite Li, Reduction of Pesticide Residues on Fresh Vegetables with Electrolyzed Water Treatment, Journal of Food Science  Vol. 76, Nr. 4, 2011.

3. Đào Bách Khoa, Đánh giá khả năng khử dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm pyrethroid, phốt pho hữu cơ, avermectin trên rau muống của dung dịch sagren, Viện bảo vệ thực vật (2018).

4. Phạm Thị Hằng, Lê Minh Kha, Khảo sát sự có mặt của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau, củ, quả cung cấp tại các bếp ăn trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 năm 2015 - 2016, Tạp chí y dược lâm sàng 108, Tập 13 - Số 2/2018. Link: https://tcydls108.benhvien108.vn/index.php/YDLS/article/view/321/223

5. https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/13363-nong-san-xuat-khau-ton-du-thuoc-bao-ve-thuc-vat-dang-lo-ngai

6. https://tapchicongthuong.vn/canh-bao-ve-du-luong-thuoc-bao-ve-thuc-vat-doi-voi-nong-san-xuat-khau-sang-han-quoc-117111.htm

7. https://www.sggp.org.vn/con-tinh-trang-nong-dan-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-tuy-tien-thieu-an-toan-post750038.html

8. https://laodong.vn/media/nguy-co-ton-du-thuoc-bao-ve-thuc-vat-trong-rau-cu-qua-1320772.ldo